Học thuyết sau Chiến tranh Thế giới 2 Tác chiến chiều sâu

Sự tiến triển của học thuyết tại Liên Xô và Nga

Sau kinh nghiệm ở Chiến tranh thế giới thứ hai, học thuyết được cập nhật, đặc biệt là chiến thuật tác chiến trong thành phố, dẫn tới thay đổi cấu trúc của các quân đoàn xe tăng[73]. Tuy nhiên, ở đầu thập kỷ 1950, đặc biệt từ khi I. V. Stalin chết và Nguyên soái G. K. Zhukov được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, thì "Tác chiến chiều sâu" mất chỗ đứng[Ct 20]. Ở giai đoạn này, chiến tranh tương lai được đánh giá sẽ là chiến tranh hạt nhân, nên Lục quân được tổ chức lại với cơ cấu chủ yếu là xe tăng - thiết giáp - vốn có nhiều cơ hội sống sót hơn cả - nhằm khai thác chiến quả sau khi vũ khí hạt nhân đã được sử dụng[74]. Từ đây, Lục quân chỉ có vai trò thứ yếu sau lực lượng hạt nhân; nghệ thuật chiến dịch chỉ còn là bóng mờ so với chiến lược.

Từ giữa thập kỷ 1960, sự lo lắng về chiến tranh hạt nhân có giảm bớt, và khoa học quân sự Xô viết bắt đầu quay lại với nghệ thuật chiến dịch. Đây là lúc mà một loạt tác phẩm nghiên cứu ở cấp độ chiến dịch ra đời, song song với việc tái xuất bản các tác phẩm của Nguyên soái Tukhachevsky và các tác giả bị thanh trừng khác[74]. Hạt nhân nghệ thuật chiến dịch của "Tác chiến chiều sâu" có một bước tiến triển quan trọng khi việc phối hợp vận động đa trục ở mọi cấp chiến thuật - chiến dịch nhằm tạo hiệu quả gây tê liệt hệ thống phòng ngự của đối phương được đề cao[73], mọi đơn vị chiến thuật đều được cơ giới hoá song song với việc thành lập các Cụm Cơ động Chiến dịch[75].

Từ giữa thập kỷ 1980 trở đi, cuộc chiến tranh ở Afghanistan (với Liên Xô) và các cuộc xung đột ở Chechen (với Nga) cho thấy rằng trong môi trường an ninh hiện đại, nước Nga phải đối mặt với một dải nguy cơ đa dạng ngoài nguy cơ hạt nhân. Hơn nữa, kỹ thuật - công nghệ đang phát triển như vũ bão đang tạo nền cho một thế hệ vũ khí thông thường mới là vũ khí chính xác. Hai xu hướng đó đang buộc Quân đội Nga thực hiện cải cách bắt đầu từ năm 2009: từng bước chuyên nghiệp hoá quân ngũ, hiện đại hoá trang bị khí tài, tái cấu trúc hệ thống chỉ huy bằng cách thay thế cấp sư đoàn bằng cấp lữ đoàn[76]. Mặc dù cuộc cải cách ấy vẫn có nhiều điều chưa chắc chắn[77], tuy nhiên, bản lề của nó có thể đoán trước: đấy là nghệ thuật chiến dịch được thực hiện bằng vận động quân lực - tức là lực lượng cơ giới hoá hiện đại, kết hợp với "vận động hoả lực" - tức là vũ khí chính xác tầm xa[78].

Ảnh hưởng đối với các học thuyết quân sự hiện đại

Do bị những thất bại to lớn của Hồng quân trong giai đoạn đầu Chiến tranh thế giới thứ hai che lấp, nên suốt một thời gian dài "Tác chiến chiều sâu" không được giới quân sự Phương Tây coi trọng[79], và cách nhìn này được củng cố khi ở Liên Xô trước đây các thông tin liên quan đến học thuyết quân sự đều được xếp là thông tin mật. Từ giữa Chiến tranh Lạnh, một số nhà nghiên cứu Phương Tây khi tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật chiến tranh Xô Viết đã phát hiện ra những góc khuất của nó. Khi Liên Xô sụp đổ, các thông tin về học thuyết được tiếp cận, thì "Tác chiến chiều sâu" và đặc sản nghệ thuật chiến dịch của nó mới được đánh giá đúng[80].

Condoleezza Rice - cựu cố vấn An ninh Quốc gia, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ - đã công nhận trường phái lý luận quân sự Xô Viết và "nghệ thuật chiến dịch" chính là một trong những đóng góp quan trọng cho khoa học quân sự hiện đại[15]. Nghệ thuật chiến dịch được đưa vào giảng dạy ở các Học viện quân sự lớn trên thế giới, và được xác nhận là một nền tảng bất biến của khoa học quân sự, cho dù kỹ thuật ngày nay có thể nén được không gian lẫn thời gian phân chia từng chiến dịch, còn chiến dịch có thể cấu thành từ các cuộc không kích thay cho giao chiến[81].

"Nghệ thuật chiến dịch" cũng để lại dấu ấn trong học thuyết quân sự hiện đại của Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và các Quân đội đồng minh NATO. Bắt đầu từ năm 1982, học thuyết "Tác chiến Không Lục" (AirLand Battle) của Lục quân Hoa Kỳ - với sự thừa nhận rằng "quyền chủ động nghĩa là không bao giờ cho phép đối thủ phục hồi ngay từ xung lực của cuộc tấn công đầu tiên"[82] và phải liên tục nắm quyền kiểm soát chiến trường bằng vận động chủ động - đã công nhận vai trò của nghệ thuật chiến dịch[83]. Cùng với sự thay đổi về môi trường an ninh cũng như sự tiến triển của vũ khí, học thuyết quân sự của Quân đội Hoa Kỳ trải qua nhiều lần điều chỉnh, Tác chiến Không Lục không còn được áp dụng, nhưng hạt nhân nghệ thuật chiến dịch vẫn được giữ lại trong Điều lệ FM 3-0 phiên bản năm 2001[84] và tiếp tục được cập nhật trong bản điều chỉnh năm 2008[85].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tác chiến chiều sâu http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.calvin.edu/academic/cas/gpa/goeb36.htm http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/House/House... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/glantz3/gla... http://www.au.af.mil/au/awc/awcgate/opart/opart_nw... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/usawc/Parameters/1985... http://www.history.army.mil/books/OpArt/index.htm#... http://www.dtic.mil/cgi-bin/GetTRDoc?AD=ADA416926&...